Bàn về việc trợ cấp cho người khuyết tật

91

Thực tế cho thấy, người khuyết tật luôn phải đối diện với nhiều khó khăn và hạn chế trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong vấn đề an sinh xã hội. Để giúp họ vượt qua những khó khăn này và góp phần đảm bảo cho cuộc sống đầy đủ hơn, các chính sách bảo trợ xã hội dành cho người khuyết tật được xem là một phần quan trọng trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của nhóm đối tượng yếu thế này.

Bảo trợ xã hội dành cho người khuyết tật không chỉ nhằm mục đích giúp họ vượt qua khó khăn về mặt kinh tế mà còn là một hình thức thúc đẩy họ hòa nhập vào xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế mức trợ cấp hiện nay vẫn còn khá hạn chế so với nhu cầu cơ bản của người khuyết tật đặc biệt đối với nhiều người khuyết tật đang chủ yếu sống bằng nguồn trợ cấp này.

Theo kế hoạch, từ ngày 01/7/2024 mức lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng cùng cải cách tiền lương. Chính vì vậy, nhiều người khuyết tật cũng đang  rất quan tâm, trông mong và kì vọng mức trợ cấp cho người khuyết tật cũng sẽ được tăng theo.

Trao đổi liên quan đến vấn đề này, luật sư Hồ Văn Sơn – Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Theo Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 quyết nghị từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bẩy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Đối với trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật hiện đang áp dụng theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, mức trợ cấp xã hội hàng tháng sẽ được tính bằng mức chuẩn trợ cấp xã hội nhân với hệ số tương ứng theo quy định. Trong đó, mức chuẩn trợ cấp xã hội theo Nghị định là 360.000 đồng/tháng.  Còn hệ số hưởng đối với người khuyết tật tương ứng được quy định tại điểm e khoản 1 điều 6 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP cụ thể như sau:

  • Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;
  • Hệ số 2,5 đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;
  • Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật nặng;
  • Hệ số 2,0 đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.

Như vậy, mức trợ cấp xã hội hàng tháng mà người khuyết tật được hưởng theo Nghị định tạm tính như sau:

  • Đối với người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được hưởng mức trợ cấp 720.000 đồng/tháng;
  • Đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được hưởng mức trợ cấp 900.000 đồng/tháng;
  • Đối với người khuyết tật nặng sẽ được hưởng mức trợ cấp 540.000 đồng/tháng;
  • Đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng sẽ được hưởng mức trợ cấp 720.000 đồng/tháng.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ: Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác. Nghĩa là các cơ quan có thẩm quyền cũng có thể điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp như tại Hà Nội mức chuẩn trợ giúp xã hội là 440.000/tháng và nhân theo hệ số.

Ngoài ra, người khuyết tật cũng có thể được hưởng thêm trong các trường hợp các chế độ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng hay đơn thân nghèo nuôi con, người trợ giúp… theo quy định của Nghị định này và Nghị định 28/2012/NĐ-CP

(Luật sư Hồ Văn Sơn – Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư Hà Nội)

Luật sư Hồ Văn Sơn cũng cho biết thêm, hiện nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội dự kiến áp dụng từ ngày 1/7/2024, sẽ tăng mức trợ cấp từ 360.000 đồng/tháng lên mức 500.000 đồng/tháng. Cũng theo Nghị định này thì tùy thuộc điều kiện kinh tế – xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định mức trợ cấp cao hơn cho người khuyết tật tại địa phương mình.

Còn theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho rằng: Theo số liệu của Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội hiện nay cả nước có khoảng 3,7 triệu đối tượng thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng trong đó có đối tượng là người khuyết tật được hưởng theo quy định. Chính sách bảo trợ xã hội là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm giúp đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội họ trang trải một phần khó khăn trong sinh hoạt thiết yếu, đảm bảo cuộc sống.

(Ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông Liên hiệp hội NKT Việt Nam)

Cũng theo ông Nguyên, hiện nay cuộc sống của người khuyết tật đang gặp nhiều khó khăn do phần lớn phụ thuộc vào người thân, người có khả năng lao động cũng như khó tìm kiếm việc làm phù hợp, ổn định cũng như thu nhập thường rất bấp bênh. Do đó trợ cấp hàng tháng có ý nghĩa to lớn đối với người khuyết tật. Chính vì vậy, với việc điều chỉnh mức lương cơ sở tới đây có thể sẽ kéo theo giá cả sẽ tăng, chi phí sinh hoạt thiết yếu cũng tăng thì việc điều chỉnh tăng mức trợ cấp sẽ góp phần hỗ trợ cho người khuyết tật vượt qua khó khăn và hòa nhập xã hội tốt hơn.

Thực hiện: Kao Nguyên