Hồ sơ, trình tự thủ tục xác định, xác định lại mức độ khuyết tật?

104

Kính thưa Trung tâm, tôi có vấn đề này mong được luật sư tư vấn giúp. Người thân đã được hội đồng xác định khuyết tật cấp xã xác định là khuyết tật nặng từ năm 2025 nhưng đến nay thì người thân của tôi phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình và nhận thấy mức độ khuyết tật nặng không còn phù hợp nữa và chúng tôi mong muốn được xác định lại mức độ khuyết tật. Vậy cho tôi hỏi hồ sơ chuẩn bị cần những gì và trình tự để  xác định lại mức độ khuyết tật như thế nào? Xin hãy tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Căn cứ nội dung, tài liệu bạn hỏi, chúng tôi xin trả lời bạn như sau:

Về hồ sơ:

Hồ sơ đề nghị xác định, xác định lại mức độ khuyết tật được quy định tại Điều 4 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH, bao gồm:

– Đơn đề nghị xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH (xem Mục 1, Chương VII).

– Bản sao các giấy tờ liên quan đến khuyết tật (nếu có) như: bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật, giấy xác nhận khuyết tật cũ và các giấy tờ có liên quan khác.

– Bản sao kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp NKT đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP có hiệu lực (tức là trước ngày 01/06/2012) hoặc các giấy tờ liên quan khác (nếu có).

Về trình tự, thủ tục:

Thủ tục xác định, xác định lại mức độ khuyết tật được quy định tại Điều 18, Điều 20 Luật Người khuyết tật năm 2010 và Điều 5 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH, cụ thể như sau:

– Khi có nhu cầu xác định, xác định lại mức độ khuyết tật thì người đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của NKT chuẩn bị hồ sơ như trên (mục 1*) gửi đến UBND cấp xã nơi cư trú theo quy định của pháp luật. Khi nộp hồ sơ cần xuất trình các giấy tờ sau để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu các thông tin kê khai trong đơn:

+ Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của đối tượng, người đại diện hợp pháp.

+ Giấy khai sinh đối với trẻ em.

+ Sổ hộ khẩu của đối tượng, người đại diện hợp pháp. – Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người đề nghị, Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm

+ Gửi văn bản tham khảo ý kiên cơ sở giáo dục về tình trạng khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của người được xác định mức độ khuyết tật đang đi học theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH;

+ Triệu tập các thành viên của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho NKT hoặc người đại diện hợp pháp của họ;

+ Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tổ chức việc xác định mức độ khuyết tật, lập hồ sơ xác định mức độ khuyết tật và ra luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.

Đối với trường hợp NKT đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực (trước ngày 01/06/2012), Hội đồng căn cứ kết luận của Hội đồng Giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật như sau: NKT đặc biệt nặng khi được Hội đồng Giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; NKT nặng khi được Hội đồng Giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%; NKT nhẹ khi được Hội đồng Giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.

+ Biên bản họp Hội đồng ghi theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch UBND cấp xã niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật.

– Trường hợp Hội đồng không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; NKT hoặc đại diện hợp pháp của NKT không đồng ý với kết luận của Hội đồng hoặc có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng không khách quan, chính xác thì Hội đồng chuyển hồ sơ lên Hội đồng Giám định y khoa theo quy định của pháp luật.

Trên đây là câu trả lời của chúng tôi, trân trọng cảm ơn!

Chương trình được thực hiện bởi các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt – Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt.

Email: trogiupphaplydhv@gmail.com

Hotline: 0961 896 353