xác định một người khuyết tật và người khuyết tật được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế

75

Làm thế nào để xác định một người khuyết tật và người khuyết tật được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế như thế nào?

Bạn đọc có tên là: Tr Th. Hà, hiện sinh sống ở Quỳ Châu, Nghệ An gửi câu hỏi đến Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt nhờ được tư vấn với nội dung như sau: Tôi có câu hỏi mong được luật sư giải đáp cụ thể, chồng tôi năm nay gần 40 tuổi, đầu năm 2023 khi đang tham gia khai thác đá ở mỏ đá gần nhà thì chồng tôi bị tai nạn, phải cưa cụt cả hai chân. Từ khi tai nạn ập đến cuộc sống gia đình tôi bị đảo lộn, chồng tôi không còn khả năng lao động, phải ngồi xe lăn, sinh hoạt hàng ngày phải có người phục vụ, chi phí điều trị rất tốn kém. Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp tôi làm thế nào để xác định chồng tôi là người khuyết tật và quyền lợi bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật hiện nay như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Trước tiên, Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt xin gửi lời chia sẻ những khó khăn, vất vả và mất mát vợ chồng chị đang phải trải qua. Căn cứ thông tin chị cung cấp, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt – Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt tư vấn cụ thể như sau: :

Để chồng chị được xác định mức độ khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010 và các chế độ liên quan đến bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, chị cần thực hiện các thủ tục sau:

  1. Về vấn đề xác định mức độ khuyết tật

Theo quy định tại Điều 15 Luật Người khuyết tật năm 2010 và Điều 4 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật thì việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã, phường, thị trấn nơi người khuyết tật cư trú thực hiện. Đối với một số trường hợp việc xác định mức độ khuyết tật sẽ do Hội đồng Giám định y khoa thực hiện như: Trường hợp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật hoặc có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Người khuyết tật, khoản 1 Điều 5 Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/01/2019 (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BLĐTBXH) quy định rõ Khi có nhu cầu xác định, xác định lại mức độ khuyết tật thì người đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật làm hồ sơ theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo quy định của pháp luật

Hồ sơ gồm:

  • Đơn đề nghị xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật theo mẫu số 01ban hành kèm theo Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/01/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.
  • Bản sao các giấy tờ liên quan đến khuyết tật (nếu có) như: Bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật, Giấy xác nhận khuyết tật cũ và các giấy tờ có liên quan khác.
  • Bản sao kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CPcó hiệu lực hoặc các giấy tờ liên quan khác (nếu có).

Về thời gian giải quyết:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/01/2019 thì trong 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ thì phải tiến hành các thủ tục để xác định khuyết tật và có biên bản kết luận.

Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH:

Đối với trong trường hợp do Hội đồng thực hiện, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản kết luận của Hội đồng về dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã niêm yết, thông báo công khai kết luận của Hội đồng tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp Giấy xác nhận khuyết tật. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo hoặc không đồng ý với kết luận của Hội đồng thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, Hội đồng tiến hành xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể và trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại, tố cáo.

Còn đối với trường hợp do Hội đồng giám định y khoa xác định, kết luận về dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được kết luận của Hội đồng Giám định y khoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy xác nhận khuyết tật.

Về mức độ khuyết tật

Căn cứ xác định mức độ khuyết tật, theo Điều 3 và Khoản 1, Khoản 3 Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10/04/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật người khuyết tật thì:

  • Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn, được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
  • Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc, được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
  • Người khuyết tật nhẹ khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.

(Luật sư Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý ĐHV- Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt)

  1. Về chế độ Bảo hiểm y tế của người khuyết tật khi khám, chữa bệnh được quy định như sau:

Trên cơ sở được xác định mức độ khuyết tật, người khuyết tật sẽ được hưởng các chế độ BHYT cụ thể:

Được cấp thẻ BHYT theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế đối với các trường hợp: Đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng (người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng); người khuyết tật nhẹ thuộc diện hộ nghèo. Hoặc được hỗ trợ mức đóng với trường hợp thuộc hộ cận nghèo.

Khi đi khám bệnh, chữa bệnh, người khuyết tật được hưởng quyền lợi theo Luật Người khuyết tật và Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật đặc biệt nặng.

Về mức hưởng Bảo hiểm y tế của người khuyết tật được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014. Cụ thể Người khuyết tật khi đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi bảo hiểm y tế. Riêng đối với trường hợp BHYT của người khuyết tật được hỗ trợ mức đóng thì có thể dao động từ 95%-100% tùy theo quy định của Luật.

Trường hợp người khuyết tật tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến trung ương được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng nêu trên theo tỷ lệ 40% chi phí điều trị nội trú.

Trường hợp người khuyết tật nhẹ không thuộc trường hợp được cấp hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT cũng như có thẻ BHYT theo BHXH thì có thể mua thẻ Bảo hiểm y tế tự nguyện và được hưởng mức bảo hiểm y tế theo quy định.

Trên đây là nội dung trả lời của luật sư, mong rằng với sự giải đáp, cung cấp thông tin như trên sẽ giúp chị có thêm cơ sở để thực hiện các quyền lợi liên quan đến chồng chị./.

Xin chân thành cảm ơn chị đã có câu hỏi gửi đến Tạp chí.

Thực hiện: Hưng Nguyên